Tọa đàm nhận định diễn biến thị trường cuối năm 2021 và năm 2022
27/09/2021

Ngày 24 tháng 9 năm 2021, Bộ Tài chính cùng VBMA phối hợp tổ chức Chương trình Đối thoại chính sách và Tọa đàm nhận định diễn biến thị trường cuối năm 2021 và năm 2022 và Tọa đàm nhận định diễn biến thị trường cuối năm 2021 và năm 2022 là một phần trong Chương trình này.
Phần tọa đàm nhận định diễn biến của thị trường với sự dẫn dắt của Ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Tổng thư ký VBMA cùng sự tham gia của các panelist như sau:
- Ông Phan Thanh Sơn – Phó Tổng Giám đốc - Techcombank
- Ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc – Công ty Chứng khoán Vietcombank
- Ông Ngô Thế Triệu – Tổng Giám đốc – Eastspring Investments
- Ông Trần Kiều Hưng – Phó Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ – BIDV
- Ông Bùi Thành Trung – Phó Tổng Giám đốc – Giám đốc Khối Thị trường Tài chính – Standard Chartered Bank
Triển vọng kinh tế khi đại dịch tiếp tục kéo dài là phần chia sẻ của Bà. Tamara Henderson – Chuyên gia kinh tế của Bloomberg mở màn cho phần tọa đàm. Việc triển khai tiêm chủng vẫn chưa thể chấm dứt đại dịch như dự tính. Các nước Đông Nam Á đang đối mặt với số ca nhiễm tăng cao cụ thể trong khi tỷ lệ tiêm chủng tính tới ngày 21/9/2021 của nhóm 6 nước (Indonensia, Malaysia, Philipines, Singapore, Thailand và Việt Nam) là 51% trong đó Việt nam là 35.3%. Cũng theo bà Tamara thì năm 2021 và 2022 dịch bệnh vẫn còn đó và khả năng miễn dịch cộng đồng ngày càng trở nên xa với khi các nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao vẫn tồn tại nhiều ca nhiễm, đe dọa của biến chủng Delta cũng như các biến chủng khác. Khi mà đại dịch tiếp tục trong năm 2022 thì sự phục hồi đối với nhu cầu của toàn cầu trong suốt năm 2022 mang tính chắp vá, điều đó phản ảnh các khó khăn về tài chính của các hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp yếu thế. Các gói kích thích của các chính phủ sẽ không thể tiếp tục mãi cộng với các khó khăn không lường phía trước với các Chính phủ. Các yếu tố cần theo dõi khi xem xét về sự phục hồi nhu cầu toàn cầu cũng theo bà Tamara đó chính là: (i) Các yếu tố ảnh hưởng tới thời điểm FED bình thường hóa các chính sách đó là việc phục hồi việc làm và lạm phát tại Mĩ, (ii) Các yếu tố định hướng triển vọng tăng trưởng ngắn hạn và dài hạn của Trung Quốc gồm Chiến lược chống Covid, Các giải pháp với khả năng vỡ nợ của công ty Evergrande và các tác động của chính sách tái cấu trúc mới. Với khủng khoảng của Evergrande thì Bà cho rằng khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ có các động thái hỗ trợ để tránh Evergrande trở thành Lehman Brother của Trung Quốc và ổn định thị trường và (iii) Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bloomberg đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ cho năm 2021 là 6.9% và năm 2022 là 4.2%. Trong khi đó của Trung Quốc lần lượt là 8,4% và 5.6% cho năm 2021 và năm 2022. Bà Tamara cũng đưa ra bức tranh khá sáng màu với viễn cảnh tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 là 7% trong khi năm 2021 là 5.3%. Các dự báo này dựa trên các khảo sát của Bloomberg.
Ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng, Vụ Tài Chính Ngân hàng, Bộ Tài Chính chia sẻ với các thành viên về kế hoạch vay và trả nợ trong giai đoạn 2021 – 2025 cụ thể Chính phủ sẽ cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) bằng cách tăng các tỷ trọng của nguồn thu bền vững, tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư. Chỉ tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách trong giai đoạn này là 3.7% GDP, tổng mức vay khoảng 3 triệu USD. NSTW hằng năm từ 500 – 600 tỷ đồng, bằng khoảng 1.69 (xấp xỉ 1.7) lần số của giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, tập trung đầu tư nhiều dự án trọng điểm giúp thúc đẩy phát triển kinh tế như Cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt 90% kế hoạch. Đối với năm 2021, tuy tỷ lệ giải ngân 8 tháng đầu năm chỉ đạt 40%, Thủ tướng Chính phủ vẫn quyết liệt yêu cầu tỷ lệ giải ngân cả năm phải đạt ít nhất 95%.
Theo bà Nguyễn Huyền Dịu – Trưởng phòng, Phòng nghiên cứu kinh tế, Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước thì chính sách tiền tệ, NHNN vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động kinh doanh, giữ lãi suất thấp đến hết năm 2021. Trong năm 2020 và 2021, các chính sách miễn giảm lãi vay, tổng số lãi miễn giảm và Dư nợ được cơ cấu lại nợ là rất lớn.
Về lãi suất, sau 3 lần giảm lãi suất của năm 2020, dư địa đã không còn nhiều. Do đó trong năm 2021 SBV không giảm nữa để để lại dư địa điều hành cho những bất ổn có thể có phía trước. NHNN đã duy trì thanh khoản dồi dào bằng cách không hút tiền về và giúp các TCTD giảm chi phí vốn, giúp giảm lãi suất đầu ra cho doanh nghiệp. Việc điều hành này sẽ được tiếp tục trong Q4 2021.
Đối với năm 2022 bà Dịu cho rằng trước diễn biến đại dịch khiến môi trường kinh tế thay đổi liên tục, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách điều hành linh hoạt và mục tiêu kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng. Nền kinh tế hoàn toàn có thê mở cửa trở lại vào khoảng Q2 / 2022 nếu tốc độ tiêm chủng tốt. Chính sách của nhà nước phải đảm bảo cân bằng giữa hai mục tiêu là kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng.
VBMA đã tiến hành khảo sát ý kiến các thành viên tham dự chương trình và phần lớn ý kiến dự báo tăng trưởng của Việt Nam cho năm 2021 nằm trong khoảng từ 4% tới 6%. Cũng theo kết quả khảo sát các thành viên cho rằng Việt Nam có thể hoàn toàn mở cửa trong Quý I (30%) và II ( 38%) của năm 2022. Lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng năm 2022 sẽ nằm trong khoảng từ 1% -1.5% (53%) và từ 1,5%-2% (37%).
Các chuyên gia của VBMA tham gia trong phiên tọa đàm cơ bản thống nhất dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ nằm trong khoảng 4% tới 4.5% và cũng rất lạc quan về tăng trưởng cho năm 2022 với dự báo từ 7%-7.5% và xu hướng đồng VND tăng giá so với USD cho năm 2022.