Tình hình thị trường trái phiếu tháng 5/2022

07/06/2022

Trong tháng 5/2022, Kho bạc Nhà nước tổ chức 13 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị gọi thầu (GTGT) là 18,500 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu là 42.8%.

Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức 13 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) với tổng GTGT 18,500 tỷ đồng, tổng giá trị đặt thầu là 26,964 tỷ đồng, trong đó giá trị trúng thầu là 7,910 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu 42.8%. Kỳ hạn 10 năm và kỳ hạn 15 năm có khối lượng gọi thầu cao nhất (đều ở mức 8,000 tỷ đồng), tỷ lệ trúng thầu là 43.5% đối với kỳ hạn 10 năm và 48.4% với kỳ hạn 15 năm. Kho bạc nhà nước gọi thầu thất bại trái phiếu kỳ hạn 7 năm. Trong tháng 5, lãi suất trúng thầu trung bình của kỳ hạn 10 năm tăng 8 điểm, kỳ hạn 15 năm tăng 6 điểm và không đổi ở kỳ hạn 20 và 30 năm so với lãi suất trúng thầu tháng gần nhất.

Từ đầu năm đến nay, KBNN đã phát hành tổng cộng 53,812 tỷ đồng TPCP trong năm, tương ứng 13% kế hoạch năm 2022 (400,000 tỷ đồng). Cụ thể, tổng giá trị phát hành của kỳ hạn 10 năm là 24,412 tỷ đồng (đạt 17% kế hoạch năm), 15 năm là 18,820 tỷ đồng (đạt 13% kế hoạch năm), 20 năm là 2,225 tỷ đồng (đạt 7% kế hoạch năm) và 30 năm là 8,625 tỷ đồng (đạt 25% kế hoạch năm). Trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 7 năm gọi thầu thất bại. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm 30,344 tỷ đồng (giảm 55.69%), 15 năm giảm 11,350 tỷ đồng (giảm 37.62%), 20 năm giảm 845 tỷ đồng (giảm 27.52%) và 30 năm tăng 1,462 tỷ đồng (tăng 20.41%).

Trong tháng 6/2022, sẽ có khoảng 8,950 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, tương đương khoảng 17.6% giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn cả năm.

Trong tháng 5, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiến hành gọi thầu 15,000 tỷ đồng TPCPBL ở các kỳ hạn 3 năm, 5 năm, 10 năm và 15 năm, tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu đạt 75.4%. Trong đó, chỉ có trái phiếu 3 năm được phát hành với khối lượng trúng thầu là 2,600 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ trúng thầu 40%), lãi suất trúng thầu là 2.3%. Tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát hành 2,700 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 5 năm.

 

Giá trị giao dịch thông thường (Outright) là 78,937 tỷ đồng (giảm 28.2% so với tháng trước) và giao dịch mua bán lại (Repo) là 76,86

Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch thông thường (Outright) là 78,937 tỷ đồng (giảm 28.2% so với tháng trước) và giao dịch mua bán lại (Repo) là 76,864 tỷ đồng (giảm 16.3% so với tháng trước). Giá trị giao dịch trung bình/ngày của giao dịch Outright ở mức 3,947 tỷ đồng/ngày (giảm 25% so với tháng trước) và Repo là 3,843 tỷ đồng/ngày (giảm 12% so với tháng trước). So với cùng kỳ năm trước, khối lượng giao dịch Outright tháng 5 giảm 43% và khối lượng giao dịch Repo tăng 5%. Kỳ hạn 10 năm và 15 năm là những kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất trong tháng.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 666 tỷ đồng trong tháng 5/2022. Như vậy, trong 5 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2,347 tỷ đồng TPCP

 

Lợi suất TPCP (theo phòng chào giá VBMA) tăng ở tất cả các kỳ hạn.

Lợi suất trung bình TPCP tăng từ 8.5 đến 35.4 điểm ở tất cả các kỳ hạn so với trung bình tháng trước. So với mặt bằng năm ngoái, lợi suất TPCP tăng mạnh, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn như 1 năm (tăng 165 điểm) và 2 năm (tăng 157 điểm). Trong tháng 5/2022, độ dốc và hình dạng của đường cong lợi suất không thay đổi so với tháng 4, duy trì ở mức tương đối phẳng. Theo phòng chào giá VBMA, TPCP kỳ hạn 10 năm được giao dịch nhiều nhất với 1,400 tỷ đồng (chiếm 62.2% tổng khối lượng giao dịch), xếp sau là kỳ hạn 5 năm và 7 năm với cùng 400 tỷ đồng (mỗi kỳ hạn chiếm 15.4% tổng khối lượng giao dịch).

Tính đến ngày 31/5/2022, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam là 3.125%, cao hơn Thái Lan 0.17% trong khi thấp hơn 3.92% so với Indonesia và 1.06% so với Malaysia. Khoảng cách giữa lợi suất TPCP Việt Nam và Mỹ thu hẹp ở hầu hết các kỳ hạn trong tháng 5, đặc biệt là các kỳ hạn từ 1 đến 7 năm.

 

Trong T5/2022, có 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng và có 34 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 24,105 tỷ đồng.

Theo thống kê của VBMA dựa trên công bố từ trang thông tin của SSC và HNX đến hết ngày 31/5/2022, có 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng của CTCP Đầu Tư và Thương Mại TNG và 34 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 23,805 tỷ đồng trong tháng 5.

Nhóm Ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị phát hành trong tháng với 14,629 tỷ đồng, chiếm 60.68% tổng giá trị phát hành. Trong đó, NHTMCP Phương Đông có giá trị phát hành lớn nhất với 2,600 tỷ đồng (chiếm 10.78% tổng giá trị phát hành) sau 2 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Theo sau là NHTMCP Quân Đội với giá trị phát hành 2,500 tỷ đồng (chiếm 10.37% giá trị phát hành) và NHTMCP Á Châu với 2,000 tỷ đồng (chiếm 8.29% giá trị phát hành). Nhóm Bất Động Sản xếp ở vị trí thứ hai, phát hành 6,879 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 28.53% tổng giá trị phát hành. Trong đó, nổi bật nhất là CTCP Đầu Tư Địa Ốc Nova với 5,774 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2022, có tổng cộng 160 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 104,828 tỷ đồng (chiếm 92.09% tổng GTPH) và 17 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8,996 tỷ đồng (chiếm 7.91% tổng GTPH). Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 11% và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 23% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm Ngân hàng đang dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị 42,382 tỷ đồng, tương đương 37.4% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 31,049 tỷ đồng, chiếm 73.26% và với kỳ hạn từ 7 năm trở lên chiếm 23.44% với giá trị phát hành là 9,935 tỷ đồng. Nhóm Bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 37,395 tỷ đồng, chiếm 32.9%. Trong đó, CTCP Tập Đoàn Đầu Tư Địa Ốc Nova phát hành nhiều nhất (7,574 tỷ đồng), xếp sau là CTCP Đầu Tư và Phát Triển Eagle Side (3,930 tỷ đồng).