Tình hình thị trường trái phiếu tháng 10/2021
08/11/2021
Trong tháng 10/2021, Kho bạc Nhà nước tổ chức 18 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị gọi thầu đạt 32,750 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu đạt 49.3%
Trong tháng 10, KBNN tổ chức 18 đợt đấu thầu TPCP với tổng GTGT đạt 32,750 tỷ đồng, tổng giá trị đặt thầu là 56,610 tỷ đồng, trong đó giá trị trúng thầu đạt 16,146 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu đạt 49.3%. Trong đó, 2 kỳ hạn có khối lượng gọi thầu cao nhất là kỳ hạn 10 năm và kỳ hạn 15 năm (lần lượt là 12,000 và 8,000 tỷ đồng), tỷ lệ trúng thầu lần lượt đạt 74.8% (kỳ hạn 10 năm) và 31.6% (kỳ hạn 15 năm). Trong tháng, kỳ hạn 5 năm được phát hành theo phương thức đấu thầu đa giá, tuy nhiên tỷ lệ trúng thầu rất thấp (chỉ 250 tỷ đồng trúng thầu/4,000 tỷ đồng gọi thầu). Lãi suất trúng thầu trung bình trong tháng ở tất cả các kỳ hạn đều giảm so với tháng trước.
Trong Q4/2021, KBNN dự kiến phát hành 135,000 tỷ đồng TPCP bao gồm các kỳ hạn 5 năm (15,000 tỷ đồng), 7 năm (5,000 tỷ đồng), 10 năm (37,000 tỷ đồng), 15 năm (50,000 tỷ đồng), 20 năm (13,000 tỷ đồng) và 30 năm (15,000 tỷ đồng). Tính đến hết tháng 10, KBNN đã phát hành tổng cộng 16,146 tỷ đồng TPCP trong Quý, tương ứng 12% Kế hoạch Quý 3. Tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2021, kết quả phát hành TPCP đạt 253,860 tỷ đồng, tương đương 68% kế hoạch cả năm điều chỉnh. Trong tháng 11/2021, sẽ có khoảng 10.4 nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn, khoảng 5.3% giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn cả năm.
Giá trị giao dịch thông thường (Outright) và giao dịch mua bán lại (Repo) lần lượt đạt 155,932 tỷ và 63,519 tỷ
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch Outright và Repo trung bình ngày lần lượt giảm xuống mức 7,425 tỷ đồng/ngày (giảm 15.2% so với tháng trước) và 3,025 tỷ đồng/ngày (giảm 10% so với tháng trước). So với cùng kỳ năm trước, KLGD Outright tháng 10 giảm 12.7% và KLGD Repo tăng 4.4%. Trong tháng, kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm là những kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất. Biên độ dao động lãi suất giao dịch tăng giảm 27 và 5 đcb ở kỳ hạn 5 năm và 10 năm. Trong tháng 10/2021, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 109 tỷ đồng, như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 10,655 tỷ đồng.
So với tháng trước, lãi suất giao dịch TPCP (theo phòng chào giá VBMA) tăng nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn
Lãi suất giao dịch TPCP tăng nhẹ 3-12 điểm ở các kỳ hạn từ 1 năm đến 15 năm so với trung bình tháng trước và giữ nguyên ở các kỳ hạn 20 và 30 năm. So với mặt bằng lãi suất năm ngoái, lãi suất giao dịch các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm hiện tại thấp hơn từ 26 - 39 đcb, trong khi lãi suất các kỳ hạn từ 1-5 năm cao hơn từ 28-38 đcb. Trong những tháng gần đây, đường cong lãi suất không có nhiều biến động, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, độ dốc có xu hướng giảm nhẹ, (giảm LS dài hạn, tăng LS ngắn hạn). Trong tháng 10, TPCP kỳ hạn 5 năm và 7 năm được giao dịch nhiều nhất với khối lượng giao dịch lần lượt là 4,750 tỷ đồng (chiếm 30%) và 5,000 tỷ đồng (chiếm 31%).
Lãi suất TPCP Việt Nam ở mức tương đối thấp trong khu vực. Khoảng cách giữa lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ từ đầu tháng 10 tới nay có xu hướng thu hẹp khoảng 0.35% ở kỳ hạn 5 năm và 0.04% ở các kỳ hạn 1 - 10 năm và nới rộng biên độ ở kỳ hạn 30 năm.
Trong 10 tháng đầu năm có tổng cộng 723 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 438 nghìn tỷ đồng, trong đó có 705 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ và 18 đợt phát hành ra công chúng, 4 đợt phát hành ra thị trường quốc tế với tổng giá trị 1.425 tỷ USD
Trong 10 tháng đầu năm 2021, có tổng cộng 723 đợt phát hành TPDN trong nước, trong đó có 705 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 422.45 nghìn tỷ đồng (chiếm 96% tổng GTPH), 18 đợt phát hành ra công chúng giá trị 15.55 nghìn tỷ (chiếm 4% tổng GTPH) và 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1.425 tỷ USD.
Trong 10 tháng đầu năm, nhóm bất động sản hiện đang dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 163.9 nghìn tỷ đồng, chiếm 37.4%. Trong đó có khoảng có khoảng 27.56% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 5.2-13%/năm.
Nhóm ngân hàng đứng ở vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 149.1 nghìn tỷ đồng, có 34.1 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 22.8%), 75% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm.
Trong 10 tháng đầu năm, có 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (200 triệu USD), trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD) và CTCP VinPearl (425 triệu USD).